Những kiến thức cần biết về bệnh thoái hóa khớp gối cho người bệnh
Nội dung bài viết
Thoái hóa khớp gối là một tình trạng xảy ra khi sụn khớp bị hao mòn, rách nứt hoặc biến mất. Lúc này, các xương trong khớp sẽ bị va chạm, chà xát lên nhau.
Tình trạng này gây nên đau đớn, sưng, cứng khớp và làm giảm khả năng di chuyển. Đôi khi, thoái hóa khớp gối còn thúc đẩy sự hình thành của gai xương trên khớp gối dẫn đến bệnh gai khớp gối và làm trầm trọng hơn tình trạng bệnh.
Đối tượng dễ bị thoái hóa khớp gối
Thoái hóa khớp gối là một dạng bệnh viêm khớp phổ biến. Mặc dù có thể xảy ra ngay cả ở những người trẻ tuổi, nhưng nguy cơ thoái hóa khớp gối tăng lên sau tuổi 45. Theo Tổ chức viêm khớp Hoa Kỳ, có hơn 27 triệu người Mỹ bị thoái hóa khớp gối, đầu gối là một trong những khu vực bị ảnh hưởng phổ biến nhất. Phụ nữ là đối tượng dễ bị thoái hóa khớp gối hơn nam giới, đặc biệt là phụ nữ từ 55 tuổi trở lên.
Nguyên nhân cơ bản
Trong khi tuổi tác là một yếu tố nguy cơ chính gây thoái hóa khớp gối thì căn bệnh này vẫn có thể xuất hiện ở người trẻ. Đối với một số cá nhân, thoái hóa khớp gối có thể do di truyền. Một số đối tượng khác, thoái hóa khớp gối là do chấn thương hoặc nhiễm trùng, thậm chí là thừa cân, béo phì cũng là nguy cơ cao cho vấn đề này. Cụ thể như sau:

- Yếu tố di truyền: Các đột biến di truyền có thể làm cho một người dễ bị thoái hóa khớp gối. Điều này cũng có thể do bất thường di truyền trong hình dạng của xương bao quanh khớp gối.
- Thừa cân: Trọng lượng cơ thể ở những người béo phì sẽ gây áp lực lên các khớp, đặc biệt là khớp gối. Và đây chính là một trong những yếu tố nguy cơ gây thoái hóa khớp gối.
- Chấn thương: Một người gặp phải những chấn thương ảnh hưởng đến khớp gối như trật khớp gối hoặc đứt dây chằng ở khớp gối trước đó có thể có khả năng phát triển bệnh thoái hóa khớp gối.
- Nghề nghiệp: Thoái hóa khớp gối thường xảy ra với những người lao động nặng nhọc, họ phải thường xuyên nâng vác các vật nặng, quá trình này kéo dài khiến cho đầu gối phải luôn chịu áp lực nặng nề và dẫn đến thoái hóa. Ngoài ra, các vận động viên tham gia vào bóng đá, tennis hoặc chạy đường dài có thể có nguy cơ mắc bệnh thoái hóa khớp gối cao hơn những người bình thường khác.
- Các bệnh lý khác: Những người bị viêm khớp dạng thấp (một loại viêm khớp phổ biến thứ hai) có nhiều khả năng phát triển bệnh thoái hóa khớp. Bên cạnh đó, những người bị rối loạn chuyển hóa nhất định, chẳng hạn như có tình trạng quá tải sắt hoặc hormone tăng trưởng dư thừa cũng có nguy cơ cao bị thoái hóa khớp gối.
Nắm rõ các nguyên nhân gây bệnh thoái hóa khớp gối là điều kiện cần thiết để bạn có thể phòng ngừa bệnh ngay từ khi thoái hóa khớp gối chưa tìm gặp.
=> Tìm hiểu thêm: Đau nhức xương khớp – Không đơn thuần là bệnh lý tuổi già
Dấu hiệu và triệu chứng
Thoái hóa khớp gối được chia thành 4 giai đoạn. Tùy thuộc vào mỗi giai đoạn phát triển bệnh mà các triệu chứng thoái hóa khớp gối sẽ được biểu hiện khác nhau:
Giai đoạn 1:
Trong giai đoạn này, sự thoái hóa còn mới diễn ra, sụn có thể bị hư hại nhẹ. Lúc này, chưa có sự thu hẹp rõ ràng của khoảng cách giữa các xương để chị ra sụn đã bị phá hủy.
Ở giai đoạn 1, những người bị thoái hóa khớp gối có không cảm thấy đau hoặc khó chịu nhiều. Ngay cả dùng tia X cũng có thể chưa phát hiện được bất thường ở khớp gối trong giai đoạn này.
Giai đoạn 2:
Các triệu chứng thoái hóa khớp gối ở giai đoạn 2 bắt đầu trở nên đáng chú ý hơn, các bác sĩ có thể phát hiện thấy một số dấu hiệu cụ thể của sự hao mòn bằng cách chụp X – quang.
Khoảng trống giữa các xương sẽ bình thường, nhưng các bề mặt xương và các mô tiếp xúc sẽ cứng lại. Điều này làm cho khớp gối bị cứng lại và bắt đầu xảy ra sự phát triển của một lớp xương mỏng bên dưới sụn.
Người bị thoái hóa khớp gối gặp các triệu chứng như đau và cứng khớp. Khu vực xung quanh khớp gối có thể trở nên cứng lại và khó chịu sau khi ngủ dậy hoặc ngồi lâu.
Mặc dù có thể có một số hư hại nhỏ, nhưng các xương không cọ xát hoặc va chạm vào nhau. Bởi vì, chất hoạt dịch lúc này vẫn còn hiện diện để giúp làm giảm ma sát và tăng vận động của đầu gối.
Giai đoạn 3:
Trong giai đoạn 3, các thiệt hại cho sụn đã tiến triển. Khoảng cách giữa các xương đã bị thu hẹp và sụn có thể đã bị phá hủy.
Ở giai đoạn này, người bị thoái hóa khớp gối bắt đầu cảm thấy đau đớn và khó chịu đi thực hiện cuộc sống hằng ngày. Chạy bộ, đi lại, quỳ gối cũng có thể rất khó chịu. Đặc biệt dấu hiệu viêm có thể xuất hiện qua các triệu chứng như sưng, nóng đỏ cùng với đau ở khớp gối.
Khi thoái hóa khớp tiến triển, sụn tiếp tục mỏng và vỡ ra. Xương phản ứng bằng cách trở nên dày hơn và bắt đầu có sự phát triển mạnh mẽ của lớp xương dưới sụn, nguy cơ hình thành gai xương trong trường hợp này là rất cao.
Các mô lót khớp bị viêm và có thể sản xuất thêm chất lỏng để tăng sưng. Điều này có thể gây tràn dịch khớp gối hoặc các vấn đề nghiêm trọng cho khớp gối.
Giai đoạn 4:
Giai đoạn 4 được coi là giai đoạn nghiêm trọng nhất của tình trạng thoái hóa khớp gối. Ở giai đoạn này, các triệu chứng của viêm khớp rất dễ thấy. Không gian chung giữa xương bị giảm thêm, khiến cho sụn bị vỡ thêm nữa.
Sự tiến triển này có thể làm cho khớp bị cứng và dẫn đến tình trạng viêm liên tục, lúc này chất dịch tiết ra ở khớp là rất ít. Các xương đã bị va chạm và cọ xát vào nhau gây đau đớn nghiêm trọng khi người bệnh di chuyển.
Chụp X -quang sẽ cho thấy những bất thường trên khớp gối.
Trong trường hợp nghiêm trọng này, khớp gối có thể bị biến dạng và đau do mất sụn không đối xứng.
Thoái hóa khớp gối tiến triển theo từng giai đoạn. Những người bị thoái hóa khớp gối nên chú ý đến những giai đoạn này và các triệu chứng thoái hóa khớp gối gặp phải để có thể kiểm soát được tình trạng bệnh một cách tốt nhất.
Những tác hại do bệnh gây ra
Theo Trung tâm kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ cho biết:
Thoái hóa khớp gối là nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng khuyết tật ở người lớn.
Khoảng 80% người bị thoái hóa khớp gối có một số chuyển động hạn chế.
Khoảng 25% người bị thoái hóa khớp gối không thể thực hiên được các hoạt động chính trong cuộc sống hằng ngày của họ.

Ảnh hưởng cuộc sống
Ngoài việc gây đau đớn và khó khăn trong việc di chuyển. Có một số cách thức mà thoái hóa khớp gối có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn bao gồm:
- Giấc ngủ: Khớp gối bị sưng, cứng cáp và đau nhức có thể gây trở ngại cho một giấc ngủ ngon. Không ngủ đủ giấc có thể làm cho cơn đau của bạn càng trở nên nặng nề hơn. Độ cứng của khớp và giới hạn chuyển động cũng có thể khiến bạn không cảm thấy thoải mái khi ngủ trên giường.
- Giảm năng suất: Nhiều người bị thoái hóa khớp gối bỏ lỡ rất nhiều ngày làm việc mỗi năm. Thoái hóa khớp gối cũng có thể làm giảm khả năng thực hiện các hoạt động bình thường hằng ngày như làm việc nhà, nấu nướng, mặc quần áo…
- Tăng cân: Đau và cứng ở khớp gối có thể làm giảm ham muốn hoạt động của người bệnh. Họ có thể ngừng tham gia vào các hoạt động, ít tập thể dục thể thao, thậm chí là đi bộ. Việc thiếu hoạt động trong một thời gian dài có thể làm tăng cân không lành mạnh. Trọng lượng tăng thêm sau đó có thể gây nên nhiều vấn đề phức tạp hơn cho một đầu gối đã bị thoái hóa. Hơn nữa, tăng cân có thể có nguy cơ gây ra các biến chứng như bệnh tiểu đường, tăng huyết áp, bệnh tim mạch.
- Lo lắng và trầm cảm: Nghiên cứu về mối liên quan giữa lo lắng và trầm cảm với bệnh thoái hóa khớp gối cho thấy, các triệu chứng của thoái hóa khớp gối có ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tâm thần của người bệnh. Hơn 40% người tham gia nghiên cứu phản ánh sự lo lắng và trầm cảm gia tăng do các triệu chứng thoái hóa.