Đinh lăng vị thuốc quý trị đau xương khớp cho người già
Nội dung bài viết
Đinh lăng vị thuốc quý chữa tê thấp đau lưng bồi bổ khí huyết, tăng cường sức khỏe. Cả rễ, thân và cành đinh lăng đều có tác dụng chữa bệnh rất tốt.
Tại sao cây đinh lăng lại trị được bệnh đau xương khớp?
Cây Đinh lăng là loại cây thuốc nam với nhiều lợi ích quý báu đối với sức khỏe, lại rẻ tiền và rất dễ tìm kiếm được. Đinh lăng được ví như cây nhân sâm của Việt Nam, có tính mát, tính bình cao nên rất tốt cho việc bồi bổ, lưu thông khí huyết, thanh nhiệt và giải độc cho cơ thể. Đặc biệt khi nghiên cứu bộ rễ của cây đinh lắng nhiều chuyên gia khẳng định chúng rất tốt trong việc điều trị các bệnh liên quan đến thoái hóa xương khớp như thoái hóa đốt sống cổ, thoái hóa cột sống thắt lưng…
Theo đó phần rễ của cây đinh lăng chứa nhiều saponin, nhóm vitamin tốt cho sức khỏe như B1, B2, C và hơn 20 loại acid amin và hàm lượng cao chất acid amin lyzin. Những loại chất trong rễ cây đinh lăng có tác dụng tăng cường sức khỏe và nâng cao sức đề kháng cơ thể nói chung và tăng cường sự dẻo dai, chắc chắn cho hệ thống xương khớp nói riêng. Bên cạnh đó lá và thân của cây đinh lăng còn giúp bồi bổ xương khớp, đả thông huyết mạnh làm giảm sự ách tắc gây đau nhức các khớp do thoái hóa xương khớp gây nên.

Tên khoa học: Polyscias Fruticosa L.
Họ khoa học: Ngũ Gia Bì (Araliaceae)
Tên gọi khác: Cây gỏi cá, Nam dương sâm
Mô tả dược liệu:
Đinh lăng là một loài cây nhỏ, có độ cao từ 1 – 2m. Thân cây nhẵn, không lông, không có gai. Lá kép của cây có độ dài khoảng 20 – 40cm, xẻ lông chim, có mùi thơm. Hoa cây Đinh lăng mọc thành cụm, hình khuy ngắn, gồm nhiều tán có nhiều hoa nhỏ mang màu trắng xám hoặc lục nhạt. Quả hình dẹt, dài 3 – 4mm, dày 1mm, màu trắng bạc.
Phân bổ:
Cây Đinh lăng xanh tốt quanh năm, được trồng khá phổ biến ở nước ta, đặc biệt là trên các tỉnh miền núi. Thuộc giống cây chịu hạn, không ưa nước, phát triển tốt nhất ở vùng đất tơi xốp, có độ ẩm trung bình. Đinh lăng được trồng và tìm thấy rất nhiều ở miền Bắc. Tuy nhiên, hiện nay, tại một số tỉnh thành ở phía Nam cũng đã bắt đầu trồng Đinh lăng với nhiều khu vực có diện tích lớn như Long An, Tây Ninh và Lâm Đồng.
Bộ phận được dùng để làm thuốc của Đinh lăng gồm có rễ, thân, cành và lá cây nhưng rễ vẫn là thành phần chủ đạo. Rễ của cây Đinh lăng có thể được thu hoạch vào mùa đông.
Thành phần hóa học:
Đinh lăng vị thuốc chữa tê thấp đau lưng chứa nhiều thành phần hóa học bên trong bao gồm các loại axit amin cực kỳ quan trọng như methionin, lyzin, xystei, các alcaloit, vitamin B1, saponin, flavonoit, glucozit và tanit.
Tính vị và tác dụng của cây Đinh lăng:
Tính vị
Rễ cây Đinh lăng có vị ngọt, hơi đắng, tính mát, giúp đả thông huyết mạch, bồi bổ khí huyết. Lá của cây cũng có vị đắng, tính mát, được dùng để giải độc thức ăn, chống dị ứng, chữa kiết lỵ, chữa ho ra máu và còn nhiều công dụng khác.

Tác dụng
Một số tác dụng tiêu biểu của Đinh lăng đó là:
- Chữa phong thấp, thấp khớp, tê mỏi, đau nhức xương khớp (bộ phận: rễ, thân và cành Đinh lăng)
- Bổ thận, tráng dương, lợi tiểu, bồi bổ cơ thể suy nhược, gầy yếu, giúp máu huyết lưu thông tốt hơn, tăng sức đề kháng, độ dẻo dai của cơ thể (bộ phận: rễ Đinh lăng)
- Chữa ho, hen suyễn (bộ phận: rễ Đinh lăng)
- Chữa tắc tia sữa, bồi bổ cho sản phụ (bộ phận: rễ Đinh lăng)
- Chữa cảm sốt, giã nát đắp chữa mụn nhọt, sưng tấy, mề đay, ngứa, dị ứng (bộ phận: lá Đinh lăng)
- Chữa một số vấn đề về tiêu hóa như đầy hơi, khó tiêu, tiêu chảy (bộ phận: lá Đinh lăng)
- Ngoài ra, Đinh lăng còn giúp an thần, hoạt huyết dưỡng não, chữa mất ngủ, hỗ trợ điều trị chứng thiếu máu não và bảo vệ tế bào gan.
Các bài thuốc từ Đinh lăng giúp hệ xương khớp khỏe mạnh:
Bài thuốc 1: Chữa sưng đau cơ khớp, lành vết thương
Nguyên liệu: 40gr lá tươi Đinh lăng
Cách thực hiện: Lấy 40gr lá tươi giã nhuyễn, đắp trực tiếp vào vết thương hoặc những vị trí đang bị sưng đau. Đắp nhiều lần trong ngày cho đến khi tình trạng đau nhức được cải thiện.
Bài thuốc 2: Trị bệnh chân tay sưng đau
Nguyên liệu: 20 – 30gr thân và cành Đinh lăng
Cách thực hiện: Sắc lấy nước uống, chia làm 3 lần trong ngày, có thể phối hợp thêm với rễ cây xấu hổ, cúc tần và cam thảo dây.
Bài thuốc 3: Chữa đau nhức do thấp khớp
Nguyên liệu: 1kg rễ Đinh lăng, 8 – 10l rượu
Cách thực hiện:
+Rễ Đinh lăng rửa sạch, để ráo nước, sau đó phơi khô trong bóng râm hoặc chỗ thoáng mát.
+Khi bắt đầu ngâm rượu thì nên đặt rễ Đinh lăng vào trong bình trước, sắp xếp theo hình ngay ngắn, có trật tự, rồi mới đổ ngập rượu theo tỷ lệ 8 – 10l rượu và 1kg rễ Đinh lăng.
+Mỗi ngày dùng từ 2 – 3 lần, mỗi lần từ 20 – 30ml rượu.