Nguyên nhân và phương pháp điều trị viêm khớp dạng thấp
Viêm khớp dạng thấp (VKDT) hay còn gọi là thấp khớp là bệnh tự miễn, gây hủy hoại nhiều khớp một cách đối xứng khiến bệnh nhân đau đớn cùng cực khi vận động.
Nguyên nhân của bệnh vẫn còn chưa được hiểu biết đầy đủ. Gần đây người ta cho rằng VKDT là một bệnh tự miễn, với sự tham gia của các yếu tố sau:
– Tác nhân gây bệnh: có thể là virus, vi khuẩn, dị nguyên nhưng chưa được xác định chắc chắn.
– Yếu tố cơ địa: bệnh có liên quan rõ rệt đến giới tính (70-80% bệnh nhân là nữ) và tuổi (60-70% gặp ở người trên 30 tuổi).
– Yếu tố di truyền: VKDT có tính gia đình, có liên quan với kháng nguyên hóa hợp tổ chức HLA DR4 (gặp 60-70% bệnh nhân có yếu tố này, trong khi tỷ lệ này ở cộng đồng chỉ là 30%).
– Các yếu tố thuận lợi khác: môi trường sống ẩm thấp, cơ thể suy yếu mệt mỏi, nhiễm lạnh, phẫu thuật.

Triệu chứng bệnh được chia làm 2 giai đoạn:
Giai đoạn khởi phát: Bệnh thường khởi phát từ từ, tăng dần, chỉ khoảng 10-15% bệnh bắt đầu đột ngột và cấp tính. Trước khi có triệu chứng của khớp, bệnh nhân có thể có biểu hiện như sốt nhẹ, mệt mỏi, gầy sút, ra nhiều mồ hôi, tê các đầu chi. Giai đoạn này kéo dài vài tuần đến vài tháng rồi chuyển sang giai đoạn toàn phát.
Giai đoạn toàn phát: Thường xuất hiện viêm đau nhiều khớp (nên còn gọi là bệnh viêm đa khớp dạng thấp). Trong đó hay gặp nhất là các khớp cổ tay, khớp ngón gần bàn tay, khớp bàn ngón, khớp gối, khớp cổ chân, khớp ngón chân, khớp khuỷu. Các khớp ít gặp như: khớp háng, cột sống, khớp vai, khớp ức đòn, nếu có viêm các khớp này cũng thường là ở giai đoạn muộn.
Phương pháp điều trị viêm khớp dạng thấp
Phẫu thuật
Phẫu thuật đóng vai trò quan trọng trong điều trị viêm khớp dạng thấp. Kỹ thuật hiện đại có thể điều chỉnh những tổn thương khớp và các cấu trúc có liên quan. Hiệu quả trong việc giảm đau, khắc phục dị tật, cải thiện chức năng khớp.
Phẫu thuật có thể rất cần thiết phải thực hiện trong trường hợp bệnh không thể hồi phục với các phương pháp điều trị trước đó hay trở nên trầm trọng và gây ra biến chứng.
Nhiều phương pháp phẫu thuật được sử dụng để giải quyết vấn đề do viêm khớp dạng thấp.
Một số phương pháp phẫu thuật phổ biến
- Phương pháp loại bỏ lớp lót của khớp (phẫu thuật cắt bỏ khớp).
- Điều chỉnh gân.
- Cắt và tái tạo xương (phẫu thuật cắt xương).
- Kỹ thuật kết hợp xương để cố định khớp.
- Tái tạo hoặc thay thế khớp.
=> Tìm hiểu thêm: Bệnh xương khớp nên ăn gì để tốt nhất cho cơ thể? Giảm đau nhức, dễ vận động

Vật lý trị liệu
Vật lý trị liệu là một trong các phương pháp quan trọng trong kế hoạch điều trị viêm khớp dạng thấp. Mục đích của phương pháp này là giảm đau và cứng khớp, cải thiện khả năng di chuyển cũng như chức năng của các khớp bị tổn thương.
- Vận động trị liệu: Là liệu pháp vật lý trị liệu nền tảng gồm các bài tập thể dục. Các bài tập phù hợp với khả năng và mức độ thể lực của người bệnh.
- Liệu pháp nóng và lạnh: Nóng làm giãn cơ, giảm độ cứng khớp, giúp làm nóng các khớp trước khi hoạt động. Liệu pháp lạnh giúp giảm sưng viêm liên quan đến viêm khớp dạng thấp. Phương pháp này được khuyến nghị sau một chấn thương cấp tính.
- Kích thích dây thần kinh qua da (TENS): Phương pháp này giảm đau nhờ sử dụng dòng điện nhẹ. Với phương pháp này, các xung điện nhỏ sẽ chuyển đến vùng bị ảnh hưởng của cơ thể và cảm thấy hơi tê.
- Các xung điện này được nghiên cứu có thể làm giảm các tín hiệu đau đến cột sống và não giúp giảm đau và làm thư giãn cơ bắp. Nó cũng có thể kích thích việc sản sinh endorphin, một loại thuốc giảm đau tự nhiên cho cơ thể.
- Massage: Có tác dụng làm nóng các khớp, tăng cường lưu thông máu, giảm sưng đau và giúp tinh thần cảm thấy tốt hơn.