Tê bì chân tay – Nguyên nhân và cách chữa trị
Nội dung bài viết
Tê bì do nhiều nguyên nhân khác nhau, có khi là biểu hiện sinh lý bình thường của cơ thể và không cần điều trị, nhưng đa phần là dấu hiệu của nhiều chứng bệnh khác nhau, từ bệnh thông thường dễ điều trị đến bệnh phức tạp, gây ra những biến chứng nguy hiểm.
Nguyên nhân dẫn đến tê chân tay
Có rất nhiều nguyên nhân gây tê bì chân, tay. Nếu tê bì chân, tay do sinh lý, thường thì do chúng ta đứng, ngồi, nằm ngủ sai tư thế hoặc đứng, ngồi một chỗ quá lâu, ngồi xổm, ngồi vắt chân lên nhau… khiến mạch máu bị chèn ép, không thể lưu thông đến các bộ phận trên cơ thể gây nên tình trạng tê cứng. Đối với tê bì chân, tay do bệnh lý, khi cơ thể thiếu một số vitamin, như: B1, B12 và khoáng chất, như: axit folic, canxi, kali…. gây nên tình trạng tê bì chân tay. Một số căn bệnh rối loạn chuyển hóa, như: thừa cân, béo phì, tiểu đường, mỡ máu, xơ vữa động mạch…sẽ khiến chân, tay hay bị tê bì, nhức mỏi và dần mất đi cảm giác.

Khi bệnh càng nặng, dấu hiệu tê chân, tay càng rõ ràng; các bệnh lý liên quan đến xương khớp, như: thoát vị, thoái hóa, viêm khớp, chấn thương cột sống…chèn ép hay làm tổn thương các dây thần kinh cũng sẽ dẫn đến hiện tượng tê bì. Ngoài ra, một số người bị nhiễm trùng do lao, thương hàn hay nhiễm virus, nhiễm độc thủy ngân, chì, hóa chất công nghiệp cũng sẽ xuất hiện các triệu chứng tê bì.
Các bác sĩ cho biết: nếu tê bì chân, tay do sinh lý, những triệu chứng tê bì sẽ không ảnh hưởng đến sức khỏe, cũng không cần điều trị chỉ cần thay đổi tư thế, ngủ nghỉ phù hợp, thường xuyên vận động, rèn luyện thể chất nhất, xoa bóp vùng tay chân bị tê. Giữ ấm cho chân tay khi thời tiết lạnh; đồng thời thực hiện chế độ ăn giàu vitamin, đặc biệt là vitamin nhóm B; nên uống nhiều nước, rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt; không nên ăn thực phẩm nhiều axit, đồ chiên rán, đồ ngọt, đồ ăn nhanh, đồ ăn chế biến sẵn. Còn tê bì chân, tay do bệnh lý cần phải điều trị tích cực, kiểm soát tốt các bệnh mạn tính, dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, nếu không điều trị đúng, kịp thời, sẽ gây những biến chứng khó lường.
Triệu chứng biểu hiện tê chân tay
Giai đoạn ban đầu: Cảm giác tê buốt ở đầu ngón tay ngón chân xuất hiện, kéo dài và dễ bị mỏi nhừ tay như căng cơ.
Giai đoạn sau: Các ngón tay ngón chân tê buốt, đau nhức nhiều hơn, lan dọc ra cả cánh tay và cả cẳng chân, thậm chí mông, đùi, eo cũng tê buốt mang lại cảm giác vô cùng khó chịu thậm chí đau đớn.
Trong trường hợp người bệnh mắc chứng tê chân tay kết hợp với một số bệnh khác như thoái hóa cột sống, đau dây thần kinh tọa, thoát vị đĩa đệm, đau đầu và đặc biệt là đái tháo đường thì một số triệu chứng phụ có thể xuất hiện như lan sang đau vai gáy, đau thắt lưng, đau đầu,…
Giai đoạn biến chứng: Nặng hơn, người bệnh sẽ mất dần cảm giác ở tứ chi, thậm chí có thể dẫn tới teo cơ, bị liệt không đi lại được.

Điều trị tê chân tay không dễ
Như đã biết, tê chân tay do sinh lý không cần điều trị, chỉ cần tăng vận động thể dục thể thao, xoa bóp thư giãn tay chân là tình trạng có thể cải thiện. Tuy nhiên, không ít trường hợp tê chân tay lặp lại nhiều lần, kéo dài hoặc do bệnh lý, cần được điều trị sớm và kịp thời để tránh biến chứng xấu.
Điều trị theo triệu chứng, phục hồi và ngăn ngừa biến chứng
Sử dụng các loại thuốc giảm đau chống viêm không steroid; các vitamin nhóm B đường uống hoặc đường tiêm.
Điều trị theo căn nguyên
Tùy theo căn nguyên gây bệnh dưới đây mà bệnh nhân có thể lựa chọn cách điều trị:
- Đái tháo đường: Cần kiểm soát đường huyết tốt
- Rối loạn chuyển hóa Lipid máu: Cần kiểm soát lipid máu ở ngưỡng an toàn
- Thiếu vitamin: Bổ sung vitamin
- Thoái hóa cột sống: Điều trị thoái hóa
- Viêm khớp: Điều trị viêm khớp
- Nhiễm độc: Điều trị nhiễm độ.